Bối cảnh Chiếm đóng Tulagi (tháng 5 năm 1942)

Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã tấn công hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tại Trân Châu cảng, Hawaii. Cuộc tấn công này đã vô hiệu hóa phần lớn thiết giáp hạm của hạm đội Thái Bình Dương và bắt đầu tình trạng chiến tranh giữa hai nước, cũng như bắt đầu cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương. Khi phát động cuộc chiến này, các nhà lãnh đạo Nhật Bản mong muốn vô hiệu hóa được hạm đội Hoa Kỳ, giành lấy các vùng đất giàu tàu nguyên thiên nhiên và chiếm những căn cứ chiến lược quan trọng để bảo vệ cho đế quốc từ xa. Không lâu sau đó, lần lượt Anh, ÚcNew Zealand gia nhập phe Đồng Minh theo Hoa Kỳ để tuyên chiến với Nhật. Theo "Mật lệnh số 1" của Hạm đội Liên hợp Hải quân Nhật Bản ngày 1 tháng 11 năm 1941, mục tiêu của các chiến dịch ban đầu trong cuộc chiến sắp xảy ra là "đẩy lùi sức mạnh của Anh và Mỹ từ Đông Ấn thuộc Hà Lan cho đến Philippines, thiết lập chính sách tự trị về chính trị và kinh tế."[8] Để thực hiện điều đó, trong suốt những tháng đầu năm 1942, lực lượng Nhật Bản đã tấn công và đánh chiếm Philippines, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Đông Ấn thuộc Hà Lan, đảo Wake, New Britain, quần đảo GilbertGuam.[9]

Phó đô đốc Shigeyoshi Inoue, chỉ huy Đệ tứ Hạm đội bao gồm hầu hết các đơn vị hải quân ở khu vưc Nam Thái Bình Dương, có nhiệm vụ hỗ trợ chiếm Lae, Salamaua và hải cảng MoresbyNew Guinea và đảo Tulagiquần đảo Solomon. Inoue tin rằng việc chiếm và kiểm soát được các vị trí đó sẽ giúp tăng cường sự an toàn cho căn cứ chính của quân Nhật tại Rabaul, New Britain. Bộ tổng tham mưu Hải quân Nhật Bản tán thành ý kiến của Inoue và còn đưa ra thêm kế hoạch mở rộng, sử dụng các địa điểm đó làm căn cứ để chiếm Nauru, đảo Ocean, New Caledonia, FijiSamoa để cắt đứt đường tiếp vận giữa Úc và Hoa Kỳ, giảm thiểu và ngăn chặn khả năng Úc trở thành một vị trí đe dọa sự thống trị của Nhật tại Nam Thái Bình Dương.[10]

Lục quân Đế quốc Nhật Bản tán thành với ý tưởng đánh chiếm cảng Moresby và vào tháng 4 năm 1942, họ cùng với Hải quân Nhật vạch ra một kế hoạch cho cuộc tấn công với tên gọi "Chiến dịch Mo". Trong chiến dịch này có cả kế hoạch đánh chiếm Tulagi, hòn đảo nhỏ phía nam quần đảo Solomon, để xây dựng ở đây một căn cứ thủy phi cơ cho các cuộc không tập lên các vùng lãnh thổ và quân lính Đồng Minh ở Nam Thái Bình Dương. Mặc dù đô đốc Isoroku Yamamoto, tổng tư lệnh Hạm đội Liên hợp đang lên một kế hoạch khác là nhử hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ vào một trận hải chiến quyết định ở trung Thái Bình Dương, ông vẫn điều một số lượng lớn các chiến hạm cho chiến dịch Mo và cử Inoue chỉ huy lực lượng đó.[11]

Khu vực Thái Bình Dương vào năm 1942. Đường màu đỏ mô tả những phần lãnh thổ lúc đó của Đế quốc Nhật Bản. Guadalcanal và Tulagi nằm ở phần phía dưới trung tâm bản đồ.

Một lực lượng lớn bao gồm hai hàng không mẫu hạm ShōkakuZuikaku, hàng không mẫu hạm hạng nhẹ Shōhō, một tàu chở thủy phi cơ, 9 tuần dương hạm và 13 khu trục hạm, chia thành nhiều đội khác nhau, với nhiệm vụ bảo vệ đoàn chuyển vận hạm đưa quân và khí tài đổ bộ cảng Moresby cũng như tấn công các chiến hạm Đồng Minh ngăn chặn cuộc đổ bộ. Lực lượng đổ bộ Tulagi bao gồm các khu trục hạm KikuzukiYūzuki, tàu rải thủy lôi/chuyển vận hạm Okinoshima và Kōei Maru, tàu quét thủy lôi Wa #1, Wa #2, chuyển vận hạm Hagoromo Maru, Noshiro Maru #2, Tama Maru và Azumasan Maru, tàu săn ngầm Toshi Maru #3 và Tama Maru #8 do chuẩn đô đốc Kiyohide Shima chỉ huy (kì hạm trên chiếc Okinoshima), xuất phát từ Rabaul vào ngày 30 tháng 4 tiến về quần đảo Solomon. Chuẩn đô đốc Aritomo Gotō cung cấp không lực yểm trợ cho cuộc đổ bộ với lực lượng gồm 1 hàng không mẫu hạm hạng nhẹ (Shōhō), 4 tuần dương hạm và 1 khu trục hạm ở phía tây trung tâm quần đảo Solomon. Một lực lượng khác của chuẩn đô đốc Kuninori Marumo bao gồm 2 tuần dương hạm hạng nhẹ, tàu chở thủy phi cơ Kamikawa Maru và 3 pháo hạm cũng gia nhập vào đoàn chiến hạm của Gotō để yểm trợ cho cuộc đổ bộ. Một khi chiếm được Tulagi vào ngày 3 hoặc 4 tháng 5, đoàn chiến hạm này sẽ tái bộ trí lại để chuyển sang yểm trợ cho cuộc đổ bộ cảng Moresby.[1][2][12][13]

Tulagi là thủ phủ của quần đảo Solomon thuộc sự bảo hộ của Anh, bao gồm tất cả các hòn đảo của quần đảo Solomon ngoại trừ BougainvilleBuka. William Sydney Marchant, Ủy viên Cư dân người Anh của quần đảo đồng thời là chỉ huy trưởng các lực lượng phòng vệ địa phương đã chỉ đạo cuộc di tản của phần lớn cư dân dân da trắng trên đảo đến Úc vào tháng 2 năm 1942. Marchant sau cùng di tản đến Malaita một tháng sau đó.[14]

Lực lượng quân sự Đồng Minh cuối cùng còn tại Tulagi là 24 lính biệt kích của Đại đội Độc lập 2/1 thuộc biệt kích Quân đội Úc do đại úy A. L. Goode chỉ huy, và ngoài ra còn có 25 người của phi đoàn 11 Không quân Hoàng gia Úc do Sĩ quan Bay (Flying Officer) R. B. Peagam chỉ huy, điều hành một căn cứ thủy phi cơ gần Gavutu-Tanambogo với 4 máy bay trinh sát hải quân PBY Catalina.[13][15] Ba trạm quan sát bờ biển cũng được bố trí gần đó, trên đảo Guadalcanal. Nhiệm vụ của các trạm này là báo cáo bất kỳ cuộc tiến quân hay hành động khả nghi nào của kẻ địch gần trạm quan sát. Để tránh cho những nhân viên của trạm bị giết vì tội gián điệp, toàn bộ số nhân viên này đều được biên chế vào Lực lượng dự bị Tình nguyện Hải quân Hoàng gia Úc do thiếu tá Eric Feldt đang ở Townsville, Úc chỉ huy.[16]

Trong gần suốt tháng 4, quân Nhật đã nhiều lần cho tiến hành không kích Tulagi với các máy bay từ căn cứ Rabaul và lân cận gây ra một ít tổn thất. Các trạm quan sát tại Guadalcanal đã thường xuyên báo cáo bằng radio cho quân Úc trên đảo về việc máy bay Nhật sắp tấn công, nhưng quân Úc không có vũ khí hạng nặng (chỉ có 3 khẩu súng máy Vickers và 1 khẩu trung liên Bren) để chống đỡ các máy bay ném bom Nhật Bản. Ngày 25 tháng 4, 8 máy bay Nhật đã đến oanh tạc Tulagi. Những cuộc oanh tạc tương tự diễn ra hằng ngày trong tuần kế tiếp, trong đó cuộc oanh tạc ngày 1 tháng 5 đã phá hủy một chiếc máy bay trinh sát Catalina tại Gavutu. Những chiếc Catalina còn lại đã rút đi trong ngày hôm đó.[17][b]

Nhờ giải được mật mã của hạm đội Nhật thông qua việc chặn bắt tín hiệu radio từ trung tâm tình báo ở Melbourne, Úc và Trân Châu cảng, Hawaii, Đồng Minh đã nắm được phần lớn kế hoạch của Chiến dịch Mo.[18] Dựa trên những thông tin này, ngày 22 tháng 4, đô đốc Hoa Kỳ Chester Nimitz, tư lệnh các lực lượng hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, thay đô đốc Husband Edward Kimmel từ cuối năm 1941, ngay lập tức điều lực lượng chiến hạm Đồng Minh tiến vào biển San Hô để ngăn chặn Chiến dịch Mo. Ngày 27 tháng 4, hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Yorktown thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 17 (TF17), do phó đô đốc Frank Jack Fletcher chỉ huy, đã rời Tonga và gặp hàng không mẫu hạm USS Lexington thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 11 (TF11) ở 560 km phía tây bắc New Caledonia ngày 1 tháng 5. Cùng ngày hôm đó, Fletcher cho TF11 đi tiếp nhiên liệu và dự định ngày 4 tháng 5, Lexington và những chiến hạm đi kèm nó nó xuất hiện ở một địa điểm chưa xác định trên biển San Hô.[19]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiếm đóng Tulagi (tháng 5 năm 1942) http://ajrp.awm.gov.au/ajrp/ajrp2.nsf/088031725e45... http://www.awm.gov.au/encyclopedia/coral_sea/doc.h... http://www.awm.gov.au/histories/chapter.asp?volume... http://www.awm.gov.au/histories/chapter.asp?volume... http://www.awm.gov.au/histories/second_world_war/v... http://www.combinedfleet.com/Kamikawa%20Maru_t.htm http://www.combinedfleet.com/Kiyokawa%20Maru_t.htm http://www.combinedfleet.com/Okinoshima_t.htm http://www.combinedfleet.com/kikuzu_t.htm http://www.combinedfleet.com/yuzuki_t.htm